Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Những điểm nên đến để tham quan du lịch ở Hòa Bình

Bản Lác Mai Châu
Bản Lác, thuộc huyện lỵ Mai Châu, thành phố Hòa Bình, là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Theo Trưởng bản Hà Công Tím, bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, cái tên bản Lác đã được nhiều người biết như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Thời điểm “phất” lên rõ nhất của bản Lác là từ năm 1997, khi ấy, bản Lác bốn mùa nhộn nhịp khách ghé thăm. Cứ người nọ mách người kia, du khách tìm đến bản Lác mỗi ngày một đông. Có những hôm khách ghé thăm nhiều hơn người dân bản. Nhà trong bản không đủ cho khách trọ. Có cung ắt có cầu. Dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Không chịu thua kém chị em, đàn ông Thái đen cũng “vào cuộc”. họ chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre... để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Cứ thế, ngày qua ngày, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt ở bản này và loại hình du lịch homestay - sống trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
Mộ cổ Đồng Thếch
Nằm ở xã Vĩnh Đồng- huyện Kim Bôi, khu di tích mộ cổ Đống Thếch còn lưu giữ hàng trăm ngôi mộ cổ của các dòng họ Đinh Công, dân tộc Mường.
Xung quanh mộ được chôn nhiều hòn mồ bằng đá cao tới 3m trên khắc chữ Hán ghi tên người đã chết. Người Mường quan niệm rằng người chết vẫn có linh hồn và linh hồn thường được trú ngụ và gửi gắm vào đá. Do đó các cột đá ( hòn mồ ) dựng lên không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là đánh dấu mộ. Từ thông tin quý giá về xã hội Mường, táng thức Mường cổ cùng các đồ vật tìm thấy được khi khai quật, khu mộ cổ Đống Thếch đã được bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Khu du lịch bản Mường - Giang Mỗ 
Cách thị xã Hoà Bình 12 km, dưới chân núi Mỗ. Bản Giang Mỗ gồm 100 ngôi nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nứoc, cối giã gạo, cung nỏ săn bắn, phương thức làm ruộng cùng các lễ hội, phong tục tập quán Mường...
Bạn có thể ghé thăm bất cứ nhà nào mà bạn muốn. Trong các khung nhà sàn ấm cúng bạn sẽ được đón tiếp nồng nhiệt, xem các chương trình văn hoá văn nghệ dân gian, mua quà lưu niệm do chính tay người Mường làm ra. Thú vị hơn nếu bạn được nghe chủ gia thổi sáo Ôi, chơi đàn bầu đón khách bên vò rượu cần thơm nức. Cách bản Mường chừng 1 km là bản Dao đỏ là một địa chỉ mà du khách quốc tế thường đến tham quan từ nhiều năm.
Danh thắng huyện Lạc Thuỷ
Lạc Thuỷ cách Thị Xã Hoà Bình 80 km, là nơi tiếp giáp giữa các huyện đồng bằng thuộc các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình. Đây cũng là nơi giao thoa giữa hai miền văn hoá Kinh - Mường, nơi cư trú của người nguyên thuỷ xưa, nơi mang đậm dấu ấn của nền “ Văn Hoá Hoà Bình
Lạc Thuỷ có động Thuỷ Tiên, động xuyên qua lòng núi Nà Hang trải dài tới 1299m. Vào động , du khách đi bằng thuyền nan, trong hang tối, dưới ánh đèn các nhũ đá nhiều hình, nhiều vẻ buông rủ trong không gian tĩnh lặng. Du khách có thể neo thuyền để câu cá hay lắng tai nghe tiếng nước nhỏ tí tách nơi vách động , Ngược lên phía Bắc huyện, du khách tiếp tục cuộc hành trình thăm động tiên hay chùa Tiên ở xã Phú Lão. Muốn vào động Tiên, du khách không thể không đi qua đền Trình, ẩn mình dưới bóng cây rêu phong cổ kính. Đi về phía chân núi phía Tây chừng 1 km du khách đến khu đền thờ Mẫu - một tín ngưỡng của người Việt Cổ. Từ đền mẫu ngược lên phía Bắc men theo chân núi chừng 1 km ta sẽ đến với trang di chỉ sinh học và Động Tiên, đường lên gấp khúc chữ chi, xếp nhiều phiến đá làm bậc tạo nên thú vui leo núi cho khách. Vào động Tiên ta như lạc vào một thế giới thần kỳ, các nhũ đá lấp lánh ánh bạc trên trần mang hình dáng của các loài chim muông cầm thú. Những khối, những hình quả phật thủ, quả bầu, quả bí được nâng niu trên tay nhà Phật, con voi vươn vòi hút nước tưới cho các thửa ruộng bậc thang mầu mỡ, đàn rồng ấp trứng, đàn lợn quây quần…Đi lên cổng trời thì gặp các cô gái Mường đội quả đào tiên đứng giữa mây trời bảng lảng. Động Tiên vốn thuộc về quần thể chùa Hương Tích. Cứ vào mùa Xuân người dân Hương Sơn lại mang lễ vật sang Phú Lão để xin mở cửa rừng, rồi hội Chùa Hương và hội Động Tiên cùng mở. Đã có nhiều dự án kêu gọi đầu tư tôn tạo biến Lạc Thuỷ trở thành một điểm du lịch Văn Hoá – Sinh thái đầy tiềm năng.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và vùng hồ Hòa Bình
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất hiện nay ở nước ta, là niềm tự hào, đánh dấu những bước đi đầu trên chặng đường CNH, HĐH. Công trình là biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây.
Nhà máy Thuỷ Điện Hoà Bình được xây dựng từ 1979 đến 4/1994, với 8 tổ máy đạt công suất 1.920MW cung cấp 1/3 sản lượng điệ toàn Việt Nam.
Ngoài ý nghĩa là một công trình công nghiệp quan trọng, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình còn là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách. Nhiều hạng mục công trình có giá trị như: Tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi trên đồi ông Tượng, bằng đá granít cao tới 18m; nhà truyền thống nơi lưu giữ bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau; đài tưởng niệm những công dân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hi sinh trên công trình Thuỷ Điện.
Cùng với các chức năng về xã hội, kinh tế, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách thăm quan.
Vùng hồ Hòa Bình có chiều dài 230 km từ Hòa Bình đi Sơn La, sông Đà hung dữ nay đã trở thành hồ nhân tạo hiền hòa lớn nhất Đông dương và là khu du lịch hấp dẫn cho du khách gần xa. Với lòng hồ rộng lớn, núi non trùng điệp, mây trắng bồng bềnh và hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một Hạ long nổi trên núi, hai bên bờ thấp thoáng ẩn hiện những bản Mường,Thái, Dao... còn nguyên bản sắc. Bạn có thể ngủ lại trên thuyền để ngắm trăng trên một vùng sông nước hữu tình hay trên các nhà sàn để nghe hát dân ca, thưởng thức rượu cần, các món đặc sản dân tộc và nhảy múa cùng các chàng trai, cô gái miền sơn cước. Du khách có thể cảm nhận một vẻ đẹp hoành tráng của vùng hồ khi những tia nắng đầu tiên tỏa ánh long lanh xuống mặt hồ, hay tận hưởng cảnh hoàng hôn rực rỡ cả một vùng sông nước mênh mông. Một chuyến du sơn, ngoạn thủy thoải mái và thú vị đang chờ đón quí khách./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét