Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Chùa Dộc - nơi lưu giữ tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu làng Vân

http://www.travellandviet.com/news/chua-doc-noi-luu-giu-tuc-the-giu-bi-quyet-nghe-nau-ruou-lang-van-512.dvit

(BG)-Trong đợt cùng đoàn khảo sát về di sản văn hóa phi vật thể đệ trình Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận nghề nấu rượu làng Vân, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang), chúng tôi có dịp "mục sở thị" về những tư liệu quý hiện còn bảo lưu nơi đây. Một trong những thông tin quý đó là tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu.

Làng Vân có bí quyết nấu rượu gia truyền rất đặc biệt, làm nên thương hiệu rượu làng Vân nổi tiếng gần xa. Ảnh: VIỆT HƯNG
Bà Nghi Điệt là vợ vua Vũ (thời kỳ thượng cổ), do Vũ vương nghiện rượu nên bà đã tìm ra cách nấu rượu ngon cho chồng uống. Cũng từ đó, bà dạy cách ủ men, nấu rượu cho tất cả dân chúng, người ta đã tôn thờ bà là thánh sư. Để tăng thêm quyền uy cũng như tính thiêng liêng trong việc giữ bí quyết nghề nấu rượu, làng có tục ăn thề vào tháng Giêng hàng năm. Trước sự chứng giám của đất trời - Thần - Phật, mọi thành viên trong làng sẽ có ý thức xây dựng làng xóm mình thêm giàu mạnh, nghề nghiệp của làng thêm uy tín và có "bản quyền" riêng.

Nghề nấu rượu ở Vân Hà có một bí quyết riêng nên rượu rất ngon, là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình, đóng góp chủ yếu vào việc xây dựng đời sống ấm no sung túc - phong lưu của làng. Do vậy, không thể truyền nghề ra ngoài. Làng có quy định không cho con gái lấy chồng nơi khác hoặc một số gia đình không truyền nghề cho con gái. Cùng với tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu - những người bất nhân bất chính tham lam  bán ruộng đất, lòng dạ không ngay thẳng, không góp sức vào việc bảo vệ sự an toàn, ấm no hạnh phúc của làng… cũng bị làng thề.
Lễ ăn thề được diễn ra ở chùa Dộc (Quảng Lâm tự) vào một ngày xấu nhất (ngày thụ tử) trong tháng Giêng, chùa nằm ở cuối làng Vân. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì chùa được xây dựng lớn vào năm 1830. Chùa gồm toà tiền đường 5 gian, trung đường 7 gian và hậu đường 3 gian, hai bên có hai giải vũ, quay mặt hướng đông nam. Trong khu vực chùa còn có đền thề (có tượng Đức ông). Là nơi diễn ra tục thề giữ bí quyết nghề nấu rượu. Những người tham gia lễ ăn thề gồm có: 4 cụ thượng của giáp, lý phó trưởng, các ông hương dịch (đi sôn) của làng. Lễ vật để ăn thề có: một cơi trầu, một be rượu trắng ngon, một con gà sống trắng, tất cả được đặt trên ban thờ Phật thắp hương. Một người có chất giọng to, khoẻ, sảng được cử ra đọc bài văn thệ minh, đọc xong thì uống rượu và hoà tan…tiếp đó, tất cả những người có mặt ở đó đều cùng nhau uống rượu thề.
Nội dung bài "Văn thệ minh" của lễ ăn thề ở làng Vân như sau:
Niên hiệu… ngày… tháng… năm… huyện Việt Yên, xã Yên Viên. Tất cả mọi người trên dưới toàn xã, lệ năm mới có việc ở chùa Quảng Lâm. Trước Phật điện có làm lễ cắt máu ăn thề, cùng nhau lập quy ước để cho hội thề. Lời thề là: Có rượu, có kỹ nghệ của tổ tông di truyền cho con cháu làm nghiệp mãi mãi sau này, không thể truyền cho người ngoài. Nếu người nào hoặc vì chuyện kết giao tư nhân, hoặc vì tham tiền tài, của cải của người ngoài làng, phản lại quy định của tổ tông liên quan đến nghề mà truyền cho người ngoài, thì xin nguyện thề giữa trời cao đất dày cùng bản tự, cùng bá quan long thần chứng giám trước đàn đánh chết, khiến cho người đó không được hưởng phúc của tổ tiên. Việc trong hương đảng mà sinh ra ở đó, lớn lên ở đó thì phải một lòng tôn thờ phép công, làm việc chính đáng cùng nhau giữ đức. Để cho trên dưới hoà hợp, cùng hưởng sự đầy đủ yên vui. Nếu người nào đem lòng không ngay thẳng mà đem việc trong làng xã làm việc tư; xử sự không theo việc công (ngoài cùng mà trong lòng khác) hoặc có mưu mô cùng trộm cướp, tiếp dân gian tà, đem sự phiền nhiễu cho dân làng, đem ruộng đất đào bới cho người khác làm tổn thương long mạch. Thì cũng xin nguyện với thần linh đánh chết, làm cho không được đứng cùng nhau giữa làng thôn.
Nay xin thề tường tận rõ ràng

Lời miêng thệ văn được đọc xong thì tất cả mọi người cùng bái lạy và tiến hành uống rượu thề. 
Lễ ăn thề giữ bí quyết nghề nấu rượu là một phong tục độc đáo, riêng lạ chỉ có ở làng Vân - một làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm qua. Tục thề giữ nghề xưa kia đã thể hiện tình đoàn kết giữa các gia đình trong một làng, thông qua buổi lễ ăn thề cũng nhằm răn dạy con cháu chăm chỉ làm ăn, tu dưỡng đạo đức làm người lương thiện. Thông qua lời thề, chúng ta cũng nhận thấy rằng bí quyết nghề phải giữ chỉ là một vấn đề nhỏ, điều lớn lao hơn mà con người nơi đây muốn các đấng thần linh chứng giám ấy là sự gắn bó keo sơn cùng nhau chung tay đưa thương hiệu rượu làng Vân lên một tầm vóc mới.
 Khuê Văn- Tư liệu Bắc Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét